Quy định trình độ chuyên môn trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp

Chính phủ ban hành Nghị định 71/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ.

Nghị định này quy định về trình độ chuyên môn, huấn luyện và cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn, phòng cháy chữa cháy, ứng phó sự cố trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp; huấn luyện và cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ; quản lý, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ; thủ tục thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.

Trong đó, về trình độ chuyên môn trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp. Người quản lý phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật: Hoá chất, vũ khí đạn, công nghệ hóa học về thuốc phóng, thuốc nổ, công binh, khai thác mỏ, kỹ thuật mỏ, địa chất, xây dựng công trình, giao thông, thủy lợi, địa vật lý hoặc dầu khí.

Người làm công tác phân tích, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật: Hoá chất, vũ khí đạn, công nghệ hóa học về thuốc phóng, thuốc nổ, công binh, khai thác mỏ, kỹ thuật mỏ, địa chất hoặc khoan nổ mìn.

Chỉ huy nổ mìn phải có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật. Cụ thể, đối với chuyên ngành kỹ thuật: Vũ khí đạn, công nghệ hóa học về thuốc phóng, thuốc nổ, công binh, khai thác mỏ, kỹ thuật mỏ, địa chất, xây dựng công trình, giao thông, thủy lợi, địa vật lý, dầu khí hoặc khoan nổ mìn. Chỉ huy nổ mìn phải có thời gian trực tiếp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tối thiểu 1 năm đối với người có trình độ đại học trở lên và tối thiểu 2 năm đối với người có trình độ trung cấp, cao đẳng (1); đối với chuyên ngành kỹ thuật khác, chỉ huy nổ mìn phải có thời gian trực tiếp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tối thiểu 2 năm đối với người có trình độ đại học trở lên và tối thiểu 3 năm đối với người có trình độ trung cấp, cao đẳng (2).

Thợ mìn phải có trình độ từ sơ cấp trở lên thuộc chuyên ngành quy định tại (1) nêu trên hoặc từ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành quy định tại (2) nêu trên. Thợ mìn phải có thời gian làm công việc phục vụ nổ mìn tối thiểu 6 tháng.

Nghị định quy định rõ, đối tượng phải huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp gồm: Người quản lý; người lao động trực tiếp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp; người được giao quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp; chỉ huy nổ mìn; thợ mìn; người phục vụ; người áp tải, điều khiển phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp; người làm công tác phân tích, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp.

MINH TÚ

Link nội dung: https://hoikythuatnominvietnam.vn/quy-dinh-trinh-do-chuyen-mon-trong-hoat-dong-vat-lieu-no-cong-nghiep-5.html