
GS.TS.NGND. Trần Mạnh Xuân, sinh ngày 10 tháng 12 năm 1936 tại Thừa Thiên Huế. Tốt nghiệp Khoá 2 ngành Khai thác mỏ tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1962, thầy được giữ lại Trường làm giảng viên Bộ môn Khai thác mỏ và công tác tại đây đến năm 1966. Sau đó thầy được cử đi làm NCS Tiến sĩ tại Trường Đại học Mỏ Mátxcơva - Liên Xô (cũ). Đến năm 1971 thầy về công tác tại Bộ môn Khai thác Lô thiên (KTLT), thuộc Khoa Mỏ, Trường Đại học Mỏ - Địa chất (Trường được thành lập ngày 15/11/1966 trên cơ sở tách Khoa Mỏ - Địa chất của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội). Thầy lần lượt được bổ nhiệm là Phó Trưởng Bộ môn KTLT (1971-1982), Trưởng Bộ môn KTLT (1985-1995), Trưởng Khoa Mỏ (1985-1995). Ngoài ra, thầy còn là Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Mỏ - Địa chất khoá X (1986-1987) và Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Khai thác mỏ (1991-1999).
Thầy Trần Mạnh Xuân được phong Hàm Phó Giáo sư năm 1984, Giáo sư năm 1991; được Nhà nước phong Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1992 và Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2010. Thầy cũng được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước Hạng III, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 1994, Huy chương Vì sự nghiệp phát triển ngành Mỏ, Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục, Huy chương Vì sự nghiệp các Hội khoa học kỹ thuật.
Thầy cũng là Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Khoa học của Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam nhiều nhiệm kỳ, Uỷ viên Ban biên tập Tạp chí Công nghiệp mỏ của Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam nhiều năm.
GS.TS.NGND. Trần Mạnh Xuân là một trong những giáo sư đầu ngành của Bộ môn KTLT, Khoa Mỏ, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, đạt được đỉnh cao trong học thuật và tôn vinh của xã hội, có uy tín lớn trong ngành mỏ và thực tế sản xuất, được nhiều thế hệ thầy và trò kính trọng. Thầy đã hướng dẫn thành công 8 Tiến sĩ, 29 Thạc sĩ, hơn 500 Kỹ sư; là tác giả và đồng tác giả của 24 giáo trình, bài giảng, sách tham khảo (trong đó có 5 sách được in trong các Nhà xuất bản có uy tín); đã chủ trì 2 đề tài NCKH cấp Nhà nước, hàng chục đề tài NCH phục vụ sản xuất; đã công bố hơn 80 bài báo khoa học trong và ngoài nước.
Tôi may mắn là một học trò được học thầy nhiều năm từ bậc đại học và sau đại học, sau đó lại được cùng là đồng nghiệp với thầy tại Bộ môn KTLT, Khoa Mỏ, Trường Đại học Mỏ - Địa chất và tại Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam.
Những năm học đại học tại lớp Khai thác mỏ K36, chúng tôi may mắn được nhiều thầy có nhiều kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy phần lớn các môn học quan trọng, cơ bản của ngành. GS.TS.NGND. Trần Mạnh Xuân dạy chúng tôi các môn Quá trình sản xuất trên mỏ lộ thiên và Khai thác Vật liệu xây dựng; PGS.TS.NGƯT. Hồ Sĩ Giao dạy các môn Thiết kế mỏ lộ thiên và Khai thác quặng bằng phương pháp lộ thiên; GVS.ThS. Nguyễn Đình Ấu dạy môn Các phương pháp phá vỡ đất đá bằng khoan – nổ mìn; GVC.TS. Nguyễn Sỹ Hội dạy các môn An toàn mỏ và Khai thác bằng sức nước. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1996, được Bộ Giáo dục và Đạo tạo xét cho chuyển tiếp học cao học Khai thác mỏ khoá 1997-2000, tôi lại có cơ hội được học GS.TS.NGND. Trần Mạnh Xuân thêm 2 môn nữa là: Cơ sở Thiết kế mỏ lộ thiên và Một số vấn đề về Khai thác mỏ lộ thiên.

Đọng lại trong tôi suốt quá trình học đại học và sau đại học tại Bộ môn KTLT, Khoa Mỏ, Trường Đại học Mỏ - Địa chất về GS.TS.NGND. Trần Mạnh Xuân, đó là tấm gương của một nhà giáo chân chính, tâm huyết với nghề, say mê nghiên cứu, nghiêm túc trong khoa học, đào tạo nhưng cũng rất gần gũi, tình cảm với học trò, đồng nghiệp. Sau này khi đã là giảng viên của Bộ môn KTLT, chúng tôi vẫn tiếp tục học được từ thầy không chỉ về chuyên môn mà còn trong công tác nghiên cứu khoa học, phục vụ sản xuất.
Những năm gần đây, mặc dù tuổi cao, sức yếu, nhưng bất cứ khi nào có sự kiện gì của Bộ môn như các buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của NCS, hội ngành, hội nghị khoa học,… thầy đều nhiệt tình, hào hứng vào trường tham gia và truyền đạt những ý kiến đóng góp tâm huyết, xây dựng cho Bộ môn, đặc biệt cho các giảng viên trẻ, các nhà khoa học và NCS, học viên cao học của ngành.

Chúng tôi, những học trò của thầy, dù đang làm gì, vị trí nào, ở bất cứ nơi đâu vẫn luôn nhớ, trân trọng và tri ân sâu sắc tới những đóng góp của GS.TS.NGND. Trần Mạnh Xuân và thế hệ của thầy cho sự nghiệp đào tạo và NCKH của Bộ môn KTLT, Khoa Mỏ và Trường Đại học Mỏ - Địa chất, cũng như cho các thế hệ giảng viên, nhà khoa học ngành Mỏ!
Hà Nội, ngày 5 tháng 4 năm 2025
Học trò cũ của thầy.
GS.TS. Bùi Xuân Nam