Hai lần thi nghiên cứu sinh
Sau hơn 6 năm công tác (1972), ông Hồ Sĩ Giao được bộ môn Khai thác Lộ thiên, khoa Mỏ, trường Đại học Mỏ - Địa chất cử đi thi để ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh. Ông nhớ lại: Cảnh đi thi lúc đó “lều chõng” chẳng khác gì “chàng Vân Hạc[1] của Ngô Tất Tố” ngày xưa. Lủng củng buộc xung quanh xe đạp nào chăn màn, quần áo, nào sách vở, đèn dầu. Lại thêm một cái bếp dầu, nồi niêu và một ít gạo, mắm, muối, một bò lạc… để nấu ăn[2].
Trong hoàn cảnh miền Bắc bị không quân Mỹ ném bom, bắn phá dữ dội, kỳ thi được tổ chức bí mật tại một làng thuộc huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Phòng thi là lớp học của trẻ con trong làng, dựng bằng tre, nứa ngay sát lũy tre đầu làng. Các thí sinh được bố trí ở nhờ trong nhà dân xung quanh. Các buổi thi phải tiến hành vào lúc sáng sớm để tránh máy bay Mỹ. Đúng 3h sáng, một hồi trống trường vang lên đánh thức các “sĩ tử”. Khoảng 30 phút sau, ba hồi trống, báo hiệu đến giờ vào phòng thi. Đến 4h sáng, sáu tiếng trống, báo hiệu giờ thi bắt đầu. Mỗi thí sinh không chỉ mang theo giấy, bút mà còn phải mang cả chiếc đèn dầu nhỏ để có ánh sáng làm bài. Sau hai ngày thi với ba môn gồm toán cao cấp và hai môn chuyên ngành, tất cả thí sinh trở về đơn vị công tác và chờ kết quả. Năm đó, tôi thi đỗ, có tên trong danh sách cử đi Cộng hòa Dân chủ Đức học, nhưng vì lý lịch “có vấn đề” nên phải ở lại, PGS Hồ Sĩ Giao ngậm ngùi.
Đến giai đoạn 1968 - 1970, các bộ môn của trường Đại học Mỏ - Địa chất lần lượt được bổ sung thêm các cán bộ tốt nghiệp phó tiến sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài về giảng dạy nên có đủ điều kiện đào tạo sau đại học. Từ năm 1976, trường được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp cho phép tự đào tạo Phó tiến sĩ. Tuy nhiên, năm 1977, trường mới chính thức tuyển sinh. Ông Hồ Sĩ Giao lại được lãnh đạo bộ môn Khai thác Lộ thiên cử đi thi và thi đỗ nên trở thành nghiên cứu sinh đầu tiên của Ngành do Trường đào tạo. Năm đó, Trường ĐH Mỏ - Điạ chất tuyển được 3 nghiên cứu sinh, ngoài ông còn có hai ông Mai Thanh Tân[3] (ngành Địa vật lý) và Đỗ Đình Toát[4] (ngành Địa chất).
Đã hơn 40 năm trôi qua nhưng PGS.TS Hồ Sĩ Giao vẫn không quên nhiều kỷ niệm về thời làm nghiên cứu sinh
Bốn năm "dùi mài kinh sử"
Thuở đó, nghiên cứu sinh ngành Khai thác lộ thiên phải học hai môn chuyên ngành là Công nghệ khai thác bằng sức nước và Nghiên cứu gia công chế biến quặng, ngoài ra phải tốt nghiệp chương trình C tiếng Nga và môn chính trị. Hai chuyên đề tiểu luận mà ông Hồ Sĩ Giao được tiểu ban hướng dẫn là PTS Phạm Văn Hiên[5] và PTS Trần Mạnh Xuân[6] giao hoàn thành và bảo vệ trước Hội đồng chấm tiểu luận là: Dùng sức nước phá vỡ đất đá và quặng và Nghiên cứu tổn thất và làm nghèo quặng trong quá trình khai thác. Về phần tiếng Nga, nhờ đã từng làm việc với chuyên gia Liên Xô từ thời làm địa chất ở vùng mỏ Quảng Ninh (những năm 1957-1961) và sau này học thêm ở trường đại học nên ông dễ dàng đáp ứng yêu cầu quy định.
Phó giáo sư Hồ Sĩ Giao tâm sự: Thời tôi làm nghiên cứu sinh, vất vả nhất là môn chính trị. Ông phải theo học lớp chính trị dành cho các nghiên cứu sinh trong nước do Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp mở tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Giảng viên là cán bộ trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc[7]. Chương trình học gồm các môn: Chủ nghĩa Mác-Lênin; Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng, Học thuyết “Làm chủ tập thể”… Đến cuối học kỳ học, các nghiên cứu sinh phải thi viết và vấn đáp để lấy chứng chỉ tốt nghiệp.
Trong suốt ba tháng học chính trị, ông Hồ Sĩ Giao phải đạp xe đi đi về về giữa nơi sơ tán của trường ở Phổ Yên (Bắc Thái) và Hà Nội. Mỗi ngày, vợ ông dậy từ 4h sáng, rán cho ông 4 chiếc bánh bột mì. Ông nhớ lại: Đánh răng rửa mặt qua loa, vội vàng dắt xe đạp ra, cắm đầu cắm cổ đạp, trên đường vừa đi vừa ăn 2 chiếc, để dành 2 chiếc cho bữa trưa. Trưa ăn xong, ngả lưng ngay tại Hội trường để chiều học tiếp. Hàng ngày 8h sáng ông phải có mặt ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội để kịp điểm danh. Đầu buổi sáng, cán bộ phụ trách lớp phát cho mỗi học viên một chiếc “phiếu bé ngoan”, đến 4h chiều tan học, mọi người nộp lại phiếu để tránh việc có người trốn học. Sau mỗi ngày học như vậy ông lại tức tốc đạp xe lên Bắc Thái, thường về đến nhà khoảng 7-8h tối. Vì vậy, những hôm thầy giáo cho tự nghiên cứu hoặc ôn tập ở nhà là cảm thấy hạnh phúc lắm. Sau này, nhiều người hỏi tôi: Chắc hồi trẻ, anh chăm tập luyện thể dục nên bây giờ ở tuổi “xưa nay hiếm” mà vẫn giữ được sức khỏe thế?. Nhưng có lẽ, những cuốc xe “bất đắc dĩ” đó cũng là một nguyên nhân!, PGS Giao chia sẻ.
Khi có được cơ hội làm nghiên cứu sinh, ông Hồ Sĩ Giao đã xác định sẽ lựa chọn vấn đề gì đó có thể ứng dụng vào thực tiễn sản xuất làm đề tài luận án. Quá trình giảng dạy, đưa sinh viên đi thực tập và tiếp cận với sản xuất ở mỏ ông nhận thấy với đặc điểm tự nhiên của các vỉa than vùng Quảng Ninh là vỉa cắm dốc, điều kiện địa chất thủy văn phức tạp, những năm gần đây, các mỏ khai thác than lộ thiên ngày càng xuống sâu, đáy mỏ ngày càng thấp hơn mực nước tự chảy, hệ số bóc đất đá ngày càng cao, đặc biệt khó khăn trong việc đào sâu đáy mỏ, làm hạn chế tốc độ xuống sâu của mỏ lộ thiên. Ở thời điểm đó, Việt Nam chưa có máy xúc thủy lực chạy dầu. Trên các mỏ than lộ thiên Quảng Ninh chỉ có các loại máy xúc tay gàu chạy điên của Liên Xô nên việc đào sâu đáy mỏ khi ngập nước hết sức khó khăn. Nhiều phương án đào sâu đã được các mỏ đề xuất và thử nghiệm: đào hào tiên phong hay hố để chứa nước, nổ mìn văng xa để tạo hố bơm đáy mỏ, dùng đáy mỏ nghiêng, ... đều không mang lại hiệu quả. Để góp phần giải quyết vấn đề này, ông lựa chọn đề tài "Nghiên cứu chỉ tiêu tiến độ công trình trên mỏ lộ thiên khai thác vỉa dốc và dốc đứng" làm luận án và được Tiểu ban hướng dẫn chấp nhận.
Để hoàn thành luận án, ông đã tiến hành nghiên cứu lý thuyết dựa trên tài liệu, sách báo chuyên ngành trong và ngoài nước (chủ yếu của Liên Xô), kết hợp khảo sát điều kiên tự nhiên và kỹ thuật của các mỏ than lộ thiên lớn Quảng Ninh. Trên cơ sở đó, ông đã xây dựng được cơ sở khoa học và lý thuyết cho công nghệ đào sâu đáy mỏ khi khai thác dưới mức thoát nước tự chảy, phương pháp xác định các thông số của hệ thống khai thác, khả năng sản lượng của mỏ, tốc độ xuống sâu của mỏ,... trong điều kiện mưa mùa nhiệt đới và tính toán cụ thể cho khai trường[8] vỉa 16 Hà Tu.
Những năm sau, công nghệ này được hiện thực hóa tại mỏ Hà Tu bằng cách: Chia đáy mỏ thành hai cấp. Về mùa mưa, đáy thấp được dùng làm moong chứa nước, máy móc, thiết bị khai thác làm việc ở đáy cao và các tầng trên. Đến mùa khô, đáy thấp được tiến hành nạo vét bùn và sau đó tiếp tục đào sâu. Nhờ đó, mỏ có thể khai thác quanh năm, đảm bảo được sản lượng và không ảnh hưởng nhiều đến tốc độ xuống sâu. Hiện nay, công nghệ này vẫn được áp dụng rộng rãi ở hầu hết các mỏ lộ thiên khác trong nước. Đây là đóng góp quan trọng nhất của luận án. Ông nhớ lại: Khi tiến hành thực nghiệm cho mỏ Hà Tu, khó khăn nhất là việc phải thường xuyên đi lại giữa nơi sơ tán (Bắc Thái) và Quảng Ninh. Từ Phổ Yên, phải đi xe khách xuống bến xe Gia Lâm rồi mua vé xe đi tiếp về Quảng Ninh. Nhưng việc chờ đợi xe khách ngày đó rất mất thời gian, không chủ động nên tôi thường tự đạp xe. Với sáng kiến này ông đã được Tổng Công đoàn Việt Nam[9] tặng Bằng khen và huy hiệu Lao động sáng tạo.
Quá trình hoàn thành luận án, ngoài việc đi thực địa, ông Hồ Sĩ Giao dành thời gian đến Thư viện Khoa học kỹ thuật trung ương ở phố Lý Thường Kiệt đọc sách chuyên môn để nghiên cứu và viết phần tổng quan của luận án. PGS Hồ Sĩ Giao cho biết: Mỗi lần về Hà Nội, vào thư viện, cả ngày tôi chỉ ăn vài chiếc bánh bột mì mang theo hoặc một chiếc bánh mì kẹp pate, mua ở ngay cổng thư viện.
Sau quá trình nghiên cứu tài liệu và đi khảo sát thực địa ông soạn thảo đề cương luận án rồi gửi cho tiểu ban hướng dẫn góp ý. Sau đó, trong quá trình viết, ông cũng xin thêm ý kiến các thầy để chỉnh sửa cấu trúc cho hợp lý hơn. Hoàn toàn viết tay, mỗi khi viết xong một phần luận án ông lại chuyển cho hai thầy đọc. Trong quá trình viết, ông nhận được nhiều ý kiến chỉnh sửa của các thầy hướng dẫn và đồng nghiệp về nội dung và cấu trúc hình thức để hoàn thiên luận án. Điều may mắn là các thầy hướng dẫn cũng là đồng nghiệp ở cùng bộ môn nên việc nên trao đổi rất thuận lợi, dễ dàng. Ông chia sẻ: Các thầy hướng dẫn về phương pháp luận và định hướng về chuyên môn, giúp tôi thực hiện các nội dung luận án. Đôi khi cũng có những tranh luận, bảo lưu, thuyết phục,...các vấn đề kỹ thuật giữa thầy và trò.
Kể về việc làm luận án, ông Hồ Sĩ Giao cho biết, khó nhất là tổng quan lịch sử nghiên cứu vấn đề. Ông phải đọc hầu hết các tài liệu liên quan có trên thư viện (chủ yếu là của Liên Xô) để xem họ đã nghiên cứu được đến đâu, tìm hiểu xem kỹ thuật của Liên Xô có cái gì phù hợp và không phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Ông cho biết: Cảc mỏ than lộ thiên lớn Quảng Ninh đều do Liên Xô hỗ trợ thiết kế cải tạo mở rộng (Hà Tu, Đèo Nai, Cọc Sáu) và thiết kế mới (Cao Sơn), áp dụng công nghệ khai thác tương tự như ở Liên Xô, nơi có điều kiện địa chất thủy văn thuận lợi, khí hậu khô ráo quanh năm. Do vậy, thời gian đầu khai thác dễ dàng theo thiết kế, nhưng về sau khi khai thác xuống sâu dưới mức thoát nước tự chảy thì bắt đầu gặp một số khó khăn trong các khâu công nghệ và trong đào sâu đáy mỏ.
Bảo vệ luận án dưới mái nhà tranh
Năm 1981, sau hơn một năm viết, hội thảo và chỉnh sửa luận án, tiểu ban hướng dẫn đồng ý cho ông bảo vệ chính thức. Hội đồng chấm luận án phó tiến sĩ cấp quốc gia gồm 7 thành viên, trong đó PTS Lê Quang Hồng (Chủ nhiệm bộ môn Khai thác lộ thiên, khoa Mỏ, trường ĐH Mỏ - Địa chất), chuyên ngành nổ mìn, làm Chủ tịch Hội đồng và hai phản biện là PTS Đoàn Phương[10] chuyên ngành nổ mìn và PTS Đinh Văn Lạp[11] chuyên ngành công nghệ khai thác và các ủy viên khác.
Dù buổi bảo vệ luận án đã diễn ra cách đây hơn 40 năm, nhưng PGS Hồ Sĩ Giao vẫn nhớ như in những kỷ niệm trong ngày đặc biệt này. Buổi bảo vệ được tổ chức tại hội trường dựng từ tranh, tre, nứa lá của trường Đại học Mỏ - Địa chất ở nơi sơ tán. Do không đủ ánh sáng để Hội đồng đọc các bản vẽ mà ông treo lên tường, Ban tổ chức phải tháo bớt một mảng mái tranh của hội trường. PGS Hồ Sĩ Giao nhớ lại: Đây là buổi bảo vệ luận án phó tiến sĩ trong nước đầu tiên của bộ môn Khai thác lộ thiên nên có đông đảo đại biểu trong ngành, cán bộ giảng viên, sinh viên đến dự. Lãnh đạo trường còn mời nhân viên của Đài truyền hình Việt Nam lên ghi hình để đưa tin. Về cơ bản, Hội đồng đánh giá cao kết quả nghiên cứu của tác giả, đồng thuận thông qua luận án và đề nghị Bộ cấp học vị phó tiến sĩ cho ông.
Buổi trưa hôm đó, vừa là chúc mừng, vừa là cảm ơn, ông Hồ Sĩ Giao mời các thành viên trong Hội đồng và khách đến dự buổi bảo vệ về nhà ông dùng bữa "tiệc ngọt”. Ông nhớ lại: Trước khi bảo vệ, hai vợ chồng rất băn khoăn, nếu không có gì chiêu đãi khách thì không được mà nhà thì không đủ tiền. Vì vậy, vợ tôi thức cả đêm để làm bánh bằng bột mì, bột nở, trứng gà và đường. Hôm sau, cô ấy ra chợ Mỏ Chè mua thêm 2 nải chuối, một ống bơ lạc về rang lên, cùng một chai rượu quốc lủi „Hà bắc” để chiêu đãi bạn bè, đồng nghiệp. Trong căn nhà cấp 4, lợp nứa 18m2, tràn ngập tiếng cười nói. Một thời gian ngắn sau khi nộp bản luận án đã chỉnh sửa cho Thư viện trường và Thư viện Quốc gia, ông Hồ Sĩ Giao được nhận tấm bằng Phó tiến sĩ Khoa học do Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp GS.TS Nguyễn Đình Tứ ký.
Việc được làm nghiên cứu sinh là một may mắn với ông Hồ Sĩ Giao. Không chỉ có cơ hội đào sâu, nghiên cứu những vấn đề ông quan tâm nhằm tích lũy kiến thức bổ ích cho công tác giảng dạy, nghiên cứu và cho ra đời những cuốn sách chuyên khảo mà còn giúp ông được nhiều cơ quan, đơn vị tin cậy và mời hợp tác trong chuyên môn. Sau khi trở thành phó tiến sĩ, ông có nhiều cơ hội tham gia đề tài khoa học các cấp. Đến nay, dù đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng ông vẫn được trường Đại học Mỏ - Địa chất, Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường mời tham gia các Hội đồng Khoa học, Hội đồng chấm luận án, tham gia đóng góp hoặc phản biện một số dự án thuộc lĩnh vực công nghệ mỏ hoặc bảo vệ môi trường.
* PGS.TS Hồ Sĩ Giao, chuyên ngành Mỏ, Phó chủ nhiệm khoa Mỏ, trường Đại học Mỏ - Địa chất.
[1] Đó là nhân vật Đào Vân Hạc trong tác phẩm “Lều chõng” của nhà văn Ngô Tất Tố.
[2] TL ghi âm PGS.TS Hồ Sĩ Giao, ngày 31-7-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Toàn bộ phần trích lời của PGS Hồ Sĩ giao trong bài viết đều dẫn từ nguồn này.
[3] Ông Mai Thanh Tân sau là Giáo sư – tiến sĩ khoa học, từng làm Phó Hiệu trưởng trường ĐH Mỏ - Địa chất.
[4] Ông Đỗ Đình Toát sau là Phó giáo sư – tiến sĩ.
[5] Ông Phạm Văn Hiên sau là Phó giáo sư – tiến sĩ, từng làm Chủ nhiệm khoa Tại chức, trường ĐH Mỏ - Địa chất.
[6] Ông Trần Mạnh Xuân sau là Giáo sư – tiến sĩ, từng làm Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm khai thác mỏ, trường ĐH Mỏ - Địa chất.
[7] Nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
[8] Khai trường (mine site) là nơi tiến hành khai thác khoáng sản; khai trường có thể khai thác một hoặc nhiều loại khoáng sản đồng thời trên một phần hoặc toàn bộ một khoáng sàng.
[9] Nay là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.
[10] Lúc đó ông Đoàn Phương đang giữ chức Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước.
[11] Lúc đó ông Đinh Văn Lạp đang giữ chức Phó tổng giám đốc Tổng công ty Than Việt Nam, Đại biểu Quốc hội VII của Quảng Ninh.
Nguồn: Nghiên cứu sinh đầu tiên ngành Khai thác lộ thiên | meddom.org