Dịch vụ nổ mìn là gì? Quy định về kinh doanh dịch vụ nổ mìn?

Nổ mìn là hoạt động cực kỳ nguy hiểm, do đó phải được các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ nổ mìn thực hiện nhằm đảm bảo an toàn.

1. Dịch vụ nổ mìn là gì?

Mìn là đối tượng được điều chỉnh trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, tuy nhiên lại không được giải thích cụ thể, tại Điều 3 có nhắc đến “mìn” và xem đó là một trong các loại vũ khí quân dụng. Theo Tiêu chuẩn hành động bom mìn quốc tế (IMAS)- Giáo dục nguy cơ Bom mìn, hướng dẫn thực hành tốt nhất, có giải thích rằng: “Mìn (mine) là vũ khí được thiết kế để đặt dưới, trên hoặc gần mặt đất hoặc vùng bề mặt khác và sẽ phát nổ khi có sự hiện diện, đến gần hoặc tiếp xúc của một người hoặc xe cộ.

Nổ mìn là hiện tượng nổ phá do thuốc nổ bị kích thích (gặp tia lửa, nhiệt độ cao,..) gây nên sự chuyển hóa hóa hóa học cực mạnh và nhanh, biến đổi từ trạng thái hóa học này sang trạng thái hóa học khác, tạo nên thể tích lớn khi sinh áp lực lớn đồng thời sinh ra nhiệt độ rất cao. Do áp lực và nhiệt độ lớn nên sinh ra sóng xung kích rất mạnh, phá hoại môi trường xung quanh.

Khác với hai khái niệm được tác giả cung cấp trước đó, khái niệm dịch vụ nổ mìn được luật hóa và giải thích tại điểm a Khoản 1, Điều 43 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, cụ thể: “Dịch vụ nổ mìn là việc thực hiện hợp đồng nổ mìn giữa tổ chức, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ nổ mìn với tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo quy định của Luật này, bao gồm: dịch vụ nổ mìn tại địa phương có phạm vi hoạt động giới hạn trong địa bàn đất liền của 01 tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương; dịch vụ nổ mìn trên thềm lục địa; dịch vụ nổ mìn có phạm vi hoạt động trên toàn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam“. Theo khái niệm này, có thể nhận định, nhắc tới dịch vụ nổ mìn là nhắc tới mối quan hệ giữa tổ chức, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ với tổ chức, cá nhân có nhu cầu dựa trên hợp đồng dịch vụ nổ mìn. Trong đó, quy định về tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nổ mìn sẽ có các điều kiện khắt khe, chặt chẽ hơn được pháp luật ghi nhận cụ thể.

Cần lưu ý rằng, mìn được nhắc đến trong dịch vụ nổ mìn được coi là một vật liệu nổ công nghiệp và cũng chịu sự điều chỉnh của pháp luật về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

2. Quy định về kinh doanh dịch vụ nổ mìn:

Nghiên cứu quy định về dịch vụ nổ mìn, tác giả tập trung vào 03 vấn đề sau:

2.1. Hình thức và yêu cầu hoạt động dịch vụ nổ mìn:

Nội dung này được quy định tại Khoản 1, Điều 43 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, cụ thể:

– Hình thức thực hiện dịch vụ nổ mìn là thực hiện hợp đồng nổ mìn, theo đó, giữa bên kinh doanh dịch vụ và bên cá nhân, tổ chức có nhu cầu ký kết với nhau một hợp đồng dịch vụ, mà theo đó, các bên có các quyền và nghĩa vụ đối ứng và ràng buộc trách nhiệm với nhau với đối tượng của hợp đồng là “công việc phải làm- nổ mìn”.

– Yêu cầu hoạt động dịch vụ nổ mìn:

Trước hết phải đáp ứng hình thức nêu trên, thứ hai là số lượng, phạm vi, quy mô của tổ chức, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ nổ mìn phải phù hợp với nhiệm vụ, nhu cầu của hoạt động xây dựng, hoạt động khoáng sản tập trung và điều kiện kinh tế – xã hội đặc thù của địa phương. Như vậy, việc thành lập các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ nổ mìn không được tùy tiện mà phải căn cứ dựa trên các yếu tố khách quan tác động, mà việc đánh giá này chỉ có thể được thực hiện thông qua cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý nhà nước.

Thứ ba, trường hợp cần thiết nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cơ quan quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp chỉ định, bắt buộc việc thực hiện dịch vụ nổ mìn ở khu vực, địa điểm có đặc thù về an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Từ yêu cầu này, có thể thấy, dịch vụ nổ mìn được xem là một trong những công tác thuộc phạm vi quản lý sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, bởi nó phục vụ cho hoạt động dân sự, kinh tế. Việc chỉ định, bắt buộc thực hiện dịch vụ nổ mìn ở một địa điểm, khi vực nhất định là quy định hợp lý nhằm đảm bảo sự an toàn về mọi mặt trên cơ sở đã có sự “chuẩn bị” về địa điểm đặc thù, phục vụ cho hoạt động nổ mìn.

2.2. Điều kiện, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ nổ mìn:

Tổ chức, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ nổ mìn phải đáp ứng 02 điều kiện được quy định tại Điểm a, b, Khoản 2, Điều 43 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, cụ thể:

Thứ nhất, được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký ngành, nghề cung ứng dịch vụ nổ mìn; đối với tổ chức, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nổ mìn có phạm vi hoạt động trên toàn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải là doanh nghiệp nhà nước.

Điều kiện về thành lập theo quy định của pháp luật tức là, nếu là doanh nghiệp thì phải được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành dưới 1 loại hình doanh nghiệp cụ thể. Việc đăng ký ngành, nghề cung ứng dịch vụ nổ mìn là cách thức để nhà nước quản lý hoạt động của các chủ thể này. Đặc biệt, điều kiện thứ nhất này xác định chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới được cung ứng dịch vụ nổ mìn có phạm vi hoạt động trên toàn lãnh thổ, điều này cũng dễ hiểu bởi tính chất và mức độ hoạt động đối với phạm vi cả nước là quá rộng đối với một doanh nghiệp tư nhân.

Thứ hai, có đủ điều kiện về sử dụng, bảo quản và vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp theo quy định của Luật này; cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự đủ để cung ứng dịch vụ cho tối thiểu 05 tổ chức thuê dịch vụ.

Các quy định về điều kiện sử dụng, bảo quản, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp được ghi nhận tại các Điều 41; 44 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đây chủ yếu là các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực. Việc đặt ra điều kiện “cung ứng dịch cho tối thiếu 05 tổ chức thuê dịch vụ” nhằm xác định đúng quy mô, tính chất và mức độ hoạt động phù hợp với sự ra đời của một tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nổ mìn.

Tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nổ mìn có tất cả các quyền, nghĩa vụ của một tổ chức, doanh nghiệp khi sử dụng, bảo quản, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp để thực hiện dịch vụ nổ mìn theo quy định của pháp luật. Cách quy định này làm giảm thiểu các quy định không cần thiết, cũng như tránh trùng lặp quy định trong một văn bản pháp luật, đồng thời, bản chất của kinh doanh dịch vụ nổ mìn là sự tổng hợp của hoạt động bảo quản, sử dụng, vận chuyển các vật liệu nổ công nghiệp.

2.3. Giấy phép dịch vụ nổ mìn:

Giấy phép dịch vụ nổ mìn là văn bản pháp lý được nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nổ mìn. Đây là văn bản chứng minh tính hợp pháp trong sự tồn tại và hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn được quy định tại Khoản 4 Điều 43 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bao gồm 06 loại giấy tờ, tài liệu, trong đó chú ý là văn bản đề nghị gửi Bộ Quốc phòng (Doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với hình thức dịch vụ nổ mìn tại địa phương).

Tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nổ mìn lập 01 bộ hồ sơ và nộp tại cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thẩm định, cấp Giấy phép dịch vụ nổ mìn; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trình tự thực hiện khá đơn giản, nhưng hồ sơ có phần hơn phức tạp bởi phải chuẩn bị nhiều loại, tuy nhiên, điều này sẽ giúp cho cơ quan có thâm quyền có thể đánh giá được chi tiết nhất, phù hợp nhất và kiểm tra, thẩm định nhanh chóng nhất.

Giấy phép dịch vụ nổ mìn có thời hạn 02 năm. Hết thời hạn này, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp lại mà không có quy định về gia hạn.